25 Tháng Tư 2024
Giới thiệu về phường 8 quận 10

1. Vị trí địa lý:

Là phường phía nam của Quận 10 được bao bọc bởi 4 tuyến đường Ba Tháng Hai, Nguyễn Tri Phương, Vĩnh Viễn và Ngô Quyền; hướng đông là đường Nguyễn Tri Phương giáp với Phường 9 và Phường 4, hướng tây là đường Ngô Quyền giáp Phường 6, hướng bắc là đường Ba Tháng Hai giáp với Trung tâm hành chính Quận 10 và Phường 14, hướng nam  giáp với Phường 5 bởi đường Vĩnh Viễn. Các trục đường chính này là đường giao thông huyết mạch kết nối phường với các phường khác trên địa bàn Quận 10 và Thành phố.

Phường có dáng hình thang vuông góc, diện tích 17,15 ha. Ngoài 4 tuyến đường chính nêu trên làm ranh giới hành chính, trên địa bàn Phường có đường Nguyễn Tiểu La nằm xuyên tâm chạy từ hướng Bắc xuống hướng Nam với chiều dài khoảng 1 km, đoạn đầu giáp đường Ba Tháng Hai đoạn cuối tới đường Nguyễn Chí Thanh thuộc Phường 5 - Quận 10. Các trục đường: Bà Hạt, Nhật Tảo, Vĩnh Viễn chạy song song với đường Ba Tháng Hai tạo nên những ô tựa như bàn cờ nối kết các khu phố trên địa bàn. Phường có 03 khu phố:

  • Khu phố 1 nằm trong các tuyến đường: Nguyễn Tiểu La - Bà Hạt - Ngô Quyền - Vĩnh Viễn.
  • Khu phố 2 nằm trong các đường: Bà Hạt - Nguyễn Tri Phương - Ba Tháng Hai- Ngô Quyền.
  • Khu phố 3 nằm trong các đường: Vĩnh Viễn - Nguyễn Tiểu La - Bà Hạt -  Nguyễn Tri Phương.

Khí hậu: Nằm trong địa phận nội thành Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Đông Nam Bộ nên khí hậu tại phường mang đầy đủ những đặc điểm, tính chất khí hậu nhiệt đới gió mùa với hai mùa mưa -  nắng rõ nét. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11, mùa nắng từ tháng 12 đến tháng 4 dương lịch năm sau. Lượng mưa trung bình khoảng từ 1700mm đến 2000mm, tập trung chủ yếu từ tháng 6 đến tháng 10, chiếm 90% tổng lượng mưa hàng năm. Độẩm trung bình hàng năm là 76%.Nhiệt độ trung bình từ 28oC, cao nhất tới 39oC, thấp nhất xuống còn 25,7oC và không có sự chênh lệch lớn giữa ngày và đêm.

Địa hình và địa chất: Địa hình của phường có độ dốc từ Bắc xuống Nam với độ dốc trung bình từ 0,17% đến 0,4%, cao độ mặt đất thay đổi từ 5,20m xuống 3,43m.

Hệ thống giao thông của Phường được hình thành do quá trình đô thị hóa, các trục đường lớn đều được trải nhựa, các hẻm nhỏ trong các khu phố được tráng bê tông, có hệ thống thoát nước đồng bộ không còn tình trạng lầy lội hay ngập nước.

2. Dân cư

Trước năm 1858, một số xóm, thôn thuộc tổng Tân Phong, huyện Tân Long được hình thành, trong đó có xóm Vĩnh Viễn thuộc thôn Tòng Chánh. Có thể nói xóm Vĩnh Viễn bên cạnh Đồng Tập Trận và “Cánh đồng mồ mả” là địa danh hành chính xưa nhất liên quan đến vùng đất nay là Phường 8. Một số tài liệu ghi lại cho thấy đến trước năm 1930, khu đất nay là ngã tư đường Nguyễn Tiểu La - Vĩnh Viễn vẫn còn những giồng đất trồng rau xanh trên mặt đất còn nhiều cần tre cao vút để kéo nước từ giếng nước dưới lòng đất, sáng sớm và chiều tối nhiều người dân vùng đất này vẫn ra gánh nước về phục vụ sinh hoạt gia đình. Đến năm 1942, nghĩa địa Quảng Đông một phần của “Cánh đồng mồ mả” góc đường Nguyễn Tiểu La – Ba Tháng Hai mới bị giải tỏa, san lấp, phân lô, chia nền để xây nhà. Tuy nhiên, nhiều ngôi mộ cổ bên cạnh đường (nay là đường Ba Tháng Hai -  đường Lý Thái Tổ đến nay vẫn còn hiện hữu).  

Chiếm 28% dân số, người Việt gốc Hoa ở Phường 8 Quận 10 chủ yếu là người Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến; ngôn ngữ thường dùng là tiếng Quảng Đông trong các giao dịch nội bộ, nhưng vẫn thành thạo tiếng Việt, cho con học các trường phổ thông. Bà con người Hoa tham gia và chấp hành các hoạt động luật lệ của địa phương, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực bán buôn, sản xuất hàng tiêu dùng quy mô vừa và nhỏ.

Năm 1969, phường Nguyễn Tri Phương thuộc Quận 10 được thành lập năm 1985, Phường 11 (nay là Phường 8) có dân số là 12.826 người. Từ số liệu thống kê qua các năm cho thấy năm 1993 là 14.067 người; năm 1995 là 14.691 người; năm 1997 là 15.262 người, năm 1999 là l2.073 người với 22.291 hộ. Đến 2015, phường có 2758 hộ với hơn 12.000 khẩu.

Hiện nay, Phường 8 có 3 khu phố, 36 tổ dân phố, dân số toàn phường có 11.964 người, số tạm trú 1,287 người. Mật độ trung bình khoảng 102 người/km2.Theo số liệu điều tra  năm 1999 cho thấy: số người theo đạo có 3.148 người , trong đó Phật giáo có 1.481 người, Công giáo có 1.061 người, Tin Lành có 201 người, Cao Đài có 27 người. Tỷ lệ số người theo đạo so với tổng dân số toàn phường là 26,07%.
Một số công trình kiến trúc  tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn như Hội Thánh Tin Lành; Thánh thất Cao Chợ Lớn, Đình Vĩnh Viễn là nơi sinh hoạt tâm linh của nhân dân và những tín đồ theo đạo trong vùng.

Thánh Thất Cao Đài Chợ Lớn tọa lạc tại số 194 - 196 - 198 đường Ngô Quyền, được xây dựng trên nền 3 ngôi nhà lá do ông Thượng Ngọc Thanh cúng tặng, có tổng diện tích hơn 200m2. Người dân trong vùng còn gọi Thánh Thất vùng Máy Đá vì công trình nằm gần  xưởng xay đá để làm đường của người Pháp. Chiến sự xảy ra khi thực dân Pháp trở lại đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ hai, hỏa hoạn đã thiêu rụi nhiều nhà dân vùng Máy Đá trong đó có ngôi Thánh Thất Cao Đài vào năm 1946 - 1947, do vậy các tài liệu liên quan Ngôi Thánh Thất không còn. Từ năm 1961 đến năm 2000, Thánh Thất qua nhiều lần tu bổvà hoàn thành các hạng mục gồm: Cổng Thánh Thất, Chính điện, Hậu đường, có đủ 3 đài: Bát Quái, Cửu Trùng, Hiệp Thiên với lầu trống, lầu chuông rực rỡ cùng các công trình phụ trợ. Thánh Thất Cao Đài là nơi thờ phượng Đức Chí Tôn và đức Phật Mẫu, nơi quy tụ tín đồ nam, nữ Đạo Cao Đài về bái lễ, nơi các chức sắc, tín hữu trong đạo của các tỉnh gần, xa ghé lại trên đường về Tổ đình Tòa Thánh tỉnh Tây Ninh.

Cùng với hành đạo, Ban Cai quản Thánh Thất Cao Đài Chợ Lớn (Ban quản trị) và tín hữu đã góp phần thực hiện tốt công tác xã hội từ thiện ở địa phương và các tỉnh: mở nhà thuốc tự nguyện, hỗ trợ mai táng cho hộ nghèo trong họ đạo, xây dựng nhà tình thương, vận động quỹ học bổng Lê Quý Đôn, cùng Bác sĩ các bệnh viện Thành phố thực hiện nhiều chuyến khám bệnh, phát thuốc, tặng quà bà con nghèo vùng sâu, vùng xa ở một số tỉnh.
Đình Vĩnh Viễn hiện tại số 615 đường Bà Hạt, tài liệu liên quan  do ông Nguyễn Minh Châu, Trưởng Ban quản trị đình (còn lưu giữ tại đình) cho thấy Đình Vĩnh Viễn có từ trước năm 1945, nằm ở khu đất - nay là đường Lý Nam Đế, Quận 11. Năm 1947, do hỏa hoạn, nhiều nhà bị cháy, khu đất bị giải tỏa. Ông Phạm Công Nhiều và một số người khác đã thỉnh bài vị của Thần về nơi đất trống đường Bà Hạt, cất tạm ngôi đình để có chỗ thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh vốn linh thiêng của Thôn Vĩnh Viễn xưa. Việc di đời ngôi đình lấy tên là Đình Vĩnh Viễn theo các cụ là giữ lại địa danh hành chính của Thôn Vĩnh Viễn trước đây thuộc huyện Tân Long và mong muốn đình sẽ được bảo vệ vĩnh viễn không phải di dời nữa. Khoảng năm 1952 - 1953, ngôi đình lợp lá tại đường Bà Hạt lại bị hỏa hoạn, ông Phạm Công Nhiễu và ông Huỳnh Sơ (thầu khoán) là người bỏ công sức và vận động đóng góp xây dựng lại Đình Vĩnh Viễn và khánh thành công trình ngày 27 tháng 3 năm 1953. Đến ngày 23 tháng 11 năm 1953, Hội đình được thành lập với tên gọi lúc đầu là “Hội tương tế và cúng tế” Đình Vĩnh Viễn do ông Phạm Công Nhiễu là Chủ từ (được xem là người sáng lập).

Đình Vĩnh Viễn xây dựng năm 1947,
Do hoàn cảnh đất nước đang có chiến tranh cộng với khó khăn về kinh tế, ngôi đình chỉ xây dựng được cổng đình, võ ca, chính điện và công trình phụ trợ bằng vật liệu bê tông, gạch, ngói, nhung vẫn giữnét truyền thống đình làng Nam Bộ.

Đình Vĩnh Viễn, công trình tín ngưỡng dân gian thuần túy của người Việt.Nơi thờ Thần Thánh Hoàng - vị thần bảo vệ, che chở cho dân làng nơi vùng đất mới. Theo thông lệ, Đình Vĩnh Viễn tổ chức đại lễ Kỳ Yên định kỳ hàng năm vào ngày 15 - 16 tháng 2 (Âm lịch) và lễ Vu Lan ngày 15 - 16 tháng 7 (Âm lịch). Ngày nay, Ban Quản trị và bá tánh trong vùng tập trung về đình dâng lễ vật cúng thần Thành Hoàng, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa để bà con trong vùng sinh sống làm ăn thuận lợi, gắn kết cộng đồng - Một nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người Việt Nam.

Thánh thất Cao Đài Chợ Lớn tọa lạc tại 194 - 198 Ngô Quyền

Đầu năm 1950, ông Đặng Phước Giỏi là tín hữu Hội thánh Sài Gòn thuê căn nhà số166 đường Ducos thuộc Hộ 10 làm địa điểm giảng Tin Lành. Sang năm 1953, Hội thánh mua lại khu đất nơi ngã ba đường Ducos - Pavie (nay là ngã tư đường Ngô Quyền - Ba Tháng Hai). Việc xây dựng nhà thờ Nguyễn Tri Phương được tiến hành từ tháng 8 năm 1953 và hoàn thành vào tháng 2 năm 1954. Nhóm tín hữu thờ phượng Chúa đầu tiên của nhà thờ có 38 tín hữu, mục sư Nguyễn Sơn Hà thuộc Hội thánh Sài Gòn phụ trách. Năm 1954, nhiều bà con Công giáo miền Bắc di cư vào Nam đã chọn vùng đất vùng Nguyễn Tri Phương định cư, lập nghiệp góp phần nâng số hội viên Hội thánh tăng lên. Đến tháng 8 năm 1998,  xây dựng, nhà thờ mới với diện tích trên 2100m2gồm 1 trệt, 2 lầu, 1 lửng và tháp chuông. Tuy nhiên, đa số giáo dân từ nơi khác về sinh hoạt trong các dịp lễ, hội đảm bảo quy định về tôn giáo.

Hội thánh  Tin Lành Nguyễn Tri Phương tọa lạc tại số 635 Ba Tháng Hai

Cùng với cơ sở tín ngưỡng dân gian Đình Vĩnh Viễn, hoạt động tôn giáo của Hội thánh Tin lành chi hội Nguyễn Tri Phương và Thánh Thất Cao Đài Chợ Lớn đã góp phần làm phong phú, đa dạng đời sống, tinh thần của các dân tộc Việt Nam tại Phường 8.

Chuyên mục

Tranh cổ động

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •